Bối cảnh Đấu tranh Dân chủ Tháng Sáu

Bầu cử tổng thống gián tiếp

Kể từ khi Tổng thống Park Chung-hee cho thực thi Hiến pháp Yushin vào năm 1972, các tổng thống Hàn Quốc được bầu gián tiếp bởi Hội nghị Thống nhất Quốc gia, là một đại cử tri đoàn. Hệ thống này vẫn tồn tại ngay cả sau khi Park Chung-hee bị ám sátChoi Kyu-hah lên thay thế, người này bị Chun Doo-hwan thay thế trong vòng vài tháng sau trong Cuộc đảo chính ngày 12 tháng 12. Vì đại cử tri đoàn nói chung do chính chế độ tự tay lựa chọn, nên họ không đại diện cho bất kỳ hình thức kiểm tra dân chủ nào đối với quyền lực của tổng thống.[4]

Chun Doo-hwan tìm cách nâng cao vị thế của mình trong nước và quốc tế bằng cách tạo ra một vẻ ngoài dân chủ đại diện, ông cho tiến hành tổ chức bầu cử quốc hội vào năm 1985. Mặc dù đảng cầm quyền chỉ mất vài ghế, nhưng kết quả này là một chiến thắng lớn về mặt tinh thần cho phe đối lập, do Kim Dae-jungKim Young-sam lãnh đạo. Yêu cầu chính của phe đối lập là bầu cử tổng thống trực tiếp, và Chun Doo-hwan tìm cách ngăn chặn điều này bằng cách bắt đầu một chiến dịch làm chậm trễ và trì hoãn. Để đối phó với làn sóng phản đối của công chúng vào tháng 2 năm 1986, Chun Doo-hwan đồng ý cho phép quốc hội tranh luận về việc thay đổi hiến pháp.[7] Mặc dù một ủy ban quốc hội đã tranh luận về nhiều đề xuất khác nhau trong nhiều tháng, nhưng đến ngày 13 tháng 4 năm 1987, Chun Doo-hwan đình chỉ luôn cả ủy ban này cho đến sau Thế vận hội, với lý do cần phải có "đoàn kết dân tộc" trước đại hội.[4][8] Hành động này làm gia tăng tình trạng bất ổn và tình cảm chống chính phủ, đặc biệt là khi cư dân ở nhiều khu vực của Seoul như Mok-dong phải di dời để nhường chỗ cho các cơ sở hạ tầng đã được quy hoạch, nhưng Chun Doo-hwan vẫn tiếp tục chương trình của mình để đưa Roh Tae-woo làm người kế nhiệm.[9] Trong khi đó, tình cảm chống chính phủ ngày càng gia tăng trong công chúng; một cuộc khảo sát vào tháng 5 năm 1987 về "tầng lớp trung lưu" đăng trên Hankook Ilbo cho thấy 85,7% số người được hỏi cảm thấy rằng họ "mong muốn bảo vệ nhân quyền nhiều hơn, ngay cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế".[10]

Trong suốt thời kỳ này, phong trào lao động, các sinh viên đại học và các nhà thờ cụ thể đã tham gia vào một liên minh hỗ trợ lẫn nhau nhằm gây áp lực ngày càng tăng lên chế độ.[4] Điều này đã huy động một bộ phận xã hội dân sự, cùng với phe đối lập chính trị, họ sau đó hình thành nên cốt lõi của cuộc phản kháng đại chúng trong các sự kiện có tính quyết định vào tháng 6.[1]

Phong trào sinh viên và cái chết của Park Jong-chul

Sinh viên chiếm đóng Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ Seoul vào ngày 23 tháng 5 năm 1985

Trong thập niên 1980, nhiều nhà hoạt động sinh viên trong các trường đại học đấu tranh chống lại chế độ độc tài của Chun Doo-hwan sau khởi nghĩa Gwangju năm 1980. Chủ nghĩa cấp tiến sinh viên trở nên đặc biệt phổ biến trong những năm trước năm 1987, với 469.000 sinh viên tham gia biểu tình vào năm 1985.[11] Vào ngày 23 tháng 5 năm 1985, sinh viên chiếm giữ trung tâm văn hóa của Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ (USIS) tại Seoul, yêu cầu một lời xin lỗi do cáo buộc Hoa Kỳ đồng lõa với hành động của chính phủ Hàn Quốc tại Gwangju, cũng như chấm dứt hỗ trợ cho chính phủ Chun Doo-hwan. Vụ việc và phiên tòa sau đó được giới truyền thông khắp cả nước chú ý đáng kể, cũng như có những nỗ lực bắt chước các hành động này.[12][13][14] Ngày 3 tháng 5, các cuộc tuần hành sinh viên tại Incheon nhắm vào các văn phòng của cả Đảng Công lý Dân chủ cầm quyền cũng như phe đối lập là Đảng Dân chủ Hàn Quốc mới được chính thức công nhận, do không khí căng thẳng về lập trường thỏa hiệp của phe đối lập đối với chính phủ.[15]

Vào ngày 13 tháng 1 năm 1987, nhà hoạt động Park Jong-chul, chủ tịch hội sinh viên khoa ngôn ngữ học của Đại học Quốc gia Seoul, bị cảnh sát bắt giữ.[16] Trong khi bị thẩm vấn, Park từ chối thú nhận nơi ở của một trong những nhà hoạt động cùng mình. Trong quá trình thẩm vấn, chính quyền dùng kỹ thuật tấn nước để tra tấn anh,[17] khiến anh chết do ngạt thở vào ngày 14 tháng 1. Vào ngày 7 tháng 2, các cuộc tuần hành phản đối được tổ chức để tưởng nhớ anh và xảy ra các cuộc đụng độ với cảnh sát trên khắp đất nước.[18] Vào ngày 3 tháng 3, tức nhân dịp 49 ngày sau khi Park mất, các nhóm Phật giáo hợp tác với phe đối lập và cho phép chùa Jogyesa ở Seoul được sử dụng làm căn cứ cho các cuộc tụ họp trên toàn quốc.[19]

Thông tin xung quanh cái chết của Park Jong-chol ban đầu bị che giấu, tuy nhiên Hiệp hội Tư pháp Linh mục Công giáo (CPAJ) tiết lộ chi tiết cho công chúng, bao gồm cả việc chính quyền cố tình che đậy vào dịp Lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Gwangju vào ngày 18 tháng 5, điều này càng thổi bùng thêm tình cảm của công chúng.[20] Vào ngày 23 tháng 5, một cuộc họp của các nhóm đối lập được tổ chức, và thông báo rằng họ sẽ tổ chức các cuộc tuần hành đại chúng vào ngày 10 tháng 6. Liên minh này lấy tên là Liên minh Quốc gia vì một Hiến pháp Dân chủ, hay Guk-bon.[21]

Cái chết của Lee Han-yeol

Đài tưởng niệm Lee Han-yeol

Vào ngày 9 tháng 6, các nhóm sinh viên trên toàn quốc xuống hiện trường và huy động tại các trường sở trên khắp cả nước để chuẩn bị cho cuộc biểu tình rầm rộ theo kế hoạch vào ngày 10 tháng 6. Vào lúc 2 giờ chiều, sinh viên Lee Han-yeol của Đại học Yonsei bị thương nặng khi một lựu đạn hơi cay xuyên qua hộp sọ của anh.[22] Một bức ảnh được lan truyền rộng rãi ghi lại cảnh anh bị thương và được một bạn học đưa đi.[23] Trong tình trạng nguy kịch, anh nhanh chóng trở thành một biểu tượng của các cuộc biểu tình tiếp theo trong những tuần sau đó. Cuối cùng anh qua đời vì vết thương vào ngày 5 tháng 7, sau khi chế độ đồng ý với yêu cầu của người dân. Hơn 1,6 triệu người dân tham dự tang lễ quốc gia của anh, được tổ chức vào ngày 9 tháng 7. Anh được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia 18 tháng 5.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đấu tranh Dân chủ Tháng Sáu https://encykorea.aks.ac.kr/Article/E0068343 https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1987-07-06... https://web.archive.org/web/20120915005138/https:/... https://iis-db.stanford.edu/pubs/22209/No_83_AdesK... http://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0974928411... https://doi.org/10.1177%2F097492841106700305 https://www.worldcat.org/issn/0974-9284 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:154037349 https://apjjf.org/-Nak-chung-Paik/2440/article.htm... https://books.google.com.au/books?redir_esc=y&id=s...